-
Hội diễn nghệ thuật quần chúng CAND năm 2015
Hội diễn nghệ thuật quần chúng CAND năm 2015 với chủ đề “70 năm CAND vì nước quên thân vì dân phục vụ”
- Hội thao Hậu cần - Kỹ thuật Lần thứ VI, năm 2015
Văn bản QPPL
Luật CAND số 73/2014
Những điểm mới cần biết về thăng, phong cấp bậc hàm trong Luật Công an nhân dân sửa đổi
Sinh viên, học sinh tốt nghiệp xuất sắc được thăng hàm vượt bậc
Luật CAND năm 2005 quy định: “Sinh viên tốt nghiệp đại học tại các trường của CAND được phong cấp bậc hàm thiếu uý; học sinh tốt nghiệp trung cấp tại các trường của CAND được phong cấp bậc hàm trung sĩ”. Luật không quy định việc thăng hàm vượt bậc trong trường hợp tốt nghiệp xuất sắc, nhưng trong văn bản hướng dẫn thi hành thì những trường hợp tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi được lên trước niên hạn 1 năm. Điều 21, Luật CAND sửa đổi lần này đã điều chỉnh nội dung này. Theo đó, học sinh, sinh viên của các trường CAND khi tốt nghiệp được phong cấp bậc hàm như sau: trung cấp phong trung sĩ; cao đẳng phong thượng sĩ; đại học phong thiếu úy. Trường hợp tốt nghiệp loại xuất sắc được phong cao hơn một bậc. Như vậy, học sinh trung cấp CAND tốt nghiệp xuất sắc được phong hàm thượng sĩ; cao đẳng xuất sắc được phong hàm thiếu úy; đại học loại xuất sắc được phong hàm trung úy.
Quy định như trên nhằm khuyến khích việc học tập của học sinh, sinh viên. Suốt thời gian dài, chương trình ở các học viện CAND là 5 năm, trong khi các trường đại học chỉ 4 năm nên sinh viên tốt nghiệp học viện chịu thiệt thòi vì cấp hàm vẫn thiếu úy như đối với các trường đại học chỉ học 4 năm. Nay chương trình đào tạo các học viện cũng đã rút gọn còn 4 năm, nếu tốt nghiệp xuất sắc được phong thẳng trung úy, tức vượt 3 năm (trong khi điều kiện bình thường trước đây để phong trung úy phải mất 7 năm, gồm 5 năm học và 2 năm theo niên hạn). Theo quy định của Bộ GD&ĐT, loại xuất sắc là có tổng điểm tổng kết từ 9,0 đến 10. Do chương trình đào tạo tại các trường CAND nặng về lý luận chính trị, nghiệp vụ nên rất khó có để sinh viên có thể chạm ngưỡng điểm tổng kết này. Trong khi đó, điểm 9,0 cũng không phải quá khó đối với sinh viên khoa toán tin, ngoại ngữ trong các trường CAND nên đây sẽ là lợi thế lớn để sinh viên các khoa này có được hàm trung úy ngay sau khi ra trường. Một mặt, nhiều học viên cho biết, do yêu cầu đào tạo, việc chấm điểm ở các học viện thường khắt khe hơn nhiều so với các trường trung cấp, cao đẳng nên học viên hệ cao đẳng, trung cấp hẳn có lợi thế hơn để có bằng giỏi, xuất sắc.
Học viên các trường CAND nếu tốt nghiệp xuất sắc sẽ được phong hàm vượt bậc. |
Giảm số lượng sĩ quan cấp tướng
Theo yêu cầu của Bộ Chính trị, việc thăng, phong hàm sĩ quan cấp tướng phải đảm bảo tính chặt chẽ, khoa học, chỉ phong, thăng hàm sĩ quan cấp tướng ở những vị trí thực sự quan trọng. Do đó, Luật CAND sửa đổi đã “siết” điều kiện, vị trí được phong, thăng hàm sĩ quan cấp tướng. Đối với cấp hàm thiếu tướng, chỉ áp dụng đối với sĩ quan giữ chức vụ Cục trưởng và tương đương của những Cục quan trọng về tham mưu, chính trị, nghiệp vụ. Cục trưởng của các cục như Cục Hậu cần, Thanh tra Tổng cục, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo nhân quyền… chỉ được phong cấp bậc hàm cao nhất là đại tá. Đối với cấp hàm trung tướng chỉ áp dụng đối với các chức vụ gồm: Tổng cục trưởng, Tư lệnh, Chính ủy, Viện trưởng Viện chiến lược, Chánh Thanh tra, Giám đốc Công an Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Giám đốc các học viện An ninh, Chính trị, Cảnh sát, Cục trưởng 6 cục thuộc Bộ (An ninh mạng; Cảnh sát giao thông; Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Đối ngoại; Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp; Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ) và một Phó Tổng cục trưởng là Bí thư hoặc Phó Bí thư Đảng ủy Tổng cục. Như vậy, mỗi Tổng cục chỉ có tối đa hai trung tướng.
Luật lần này quy định cụ thể số lượng cấp phó có cấp hàm cấp tướng. Cụ thể, đối với chức vụ Thứ trưởng có cấp hàm thượng tướng tối đa là 6. Đối với cấp phó có cấp bậc hàm thiếu tướng được quy định như sau: Phó Tổng cục trưởng tối đa 5 thiếu tướng (cùng 1 trung tướng như nêu trên); Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động tối đa 4 thiếu tướng; Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động là 1 thiếu tướng; Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ tối đa 4 thiếu tướng; Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an tối đa 3 thiếu tướng; Phó Chánh Thanh tra tối đa 3 thiếu tướng; Phó Viện trưởng Viện chiến lược và khoa học Công an tối đa 3 thiếu tướng; Phó Cục trưởng thuộc Bộ tối đa 2 thiếu tướng; Phó Giám đốc các học viện An ninh, Chính trị, Cảnh sát, mỗi đơn vị tối đa 3 thiếu tướng; Phó Giám đốc CA Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, mỗi đơn vị tối đa 3 thiếu tướng.
Luật CAND sửa đổi không quy định cấp bậc hàm cấp tướng đối với sĩ quan giữ các chức vụ ở Công an địa phương (trừ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh). Bản dự thảo trước đây quy định Giám đốc Công an 6 địa phương gồm Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nghệ An, Thanh Hóa, Đồng Nai có trần hàm thiếu tướng. Tuy nhiên, để thống nhất với cấp bậc hàm trong QĐND, Quốc hội quyết định Giám đốc Công an và Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự 61 tỉnh, thành phố đều có trần cấp bậc hàm là đại tá. Để đảm bảo tính thống nhất, theo đó cấp bậc hàm của Trưởng Công an cấp huyện, quận (kể cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), Trưởng phòng cũng giảm 1 bậc so luật hiện hành, cao nhất là thượng tá (hiện nay là đại tá).
Thời hạn thăng cấp bậc hàm ở các cấp hạ sĩ quan, sĩ quan cấp úy, cấp tá vẫn giữ nguyên như Luật CAND năm 2005. Đối với cấp tướng, Luật CAND năm 2005 không quy định thời hạn. Luật này này đã có điều chỉnh, quy định thời hạn thăng cấp bậc hàm từ đại tá lên thiếu tướng là 4 năm, thời hạn thăng cấp bậc hàm trong mỗi cấp tướng tối thiểu là 4 năm. Tuổi của sĩ quan được xét thăng cấp bậc hàm từ đại tá lên thiếu tướng không quá 57, trường hợp cao hơn thực hiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đối với chức danh trong Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương, theo quy định tại khoản 2, Điều 24, Luật CAND thì chỉ Phó Chủ nhiệm thường trực và Phó Chủ nhiệm chuyên trách mới có cấp bậc hàm cấp tướng. Như vậy, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương có cấp bậc hàm cao nhất là đại tá (hiện nay là thiếu tướng).
Bỏ quy định “đơn vị quan trọng đặc biệt, địa bàn trọng yếu”.
Luật CAND 2005 quy định “Sĩ quan giữ chức vụ cơ bản ở đơn vị được giao nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt hoặc địa bàn có vị trí trọng yếu về an ninh, trật tự thì cấp bậc hàm cao nhất có thể cao hơn một bậc so với cấp bậc hàm cao nhất của chức vụ tương ứng”. Thực tiễn, rất khó để định lượng đâu là đơn vị quan trọng đặc biệt, đâu là địa bàn trọng yếu vì cách tiếp cận mỗi góc độ có những khác nhau. Do đó, luật lần này bỏ quy định trên. Điều đó có nghĩa, quy định về trần cấp bậc hàm là áp dụng thống nhất ở tất cả các đơn vị, địa phương, không có ngoại lệ “trường hợp đặc biệt thì cao hơn một bậc”.
Quy định cụ thể cấp bậc hàm sĩ quan Công an biệt phái
Luật CAND năm 2005 chỉ quy định chung, không quy định cụ thể việc thăng, phong cấp bậc hàm cao nhất ứng với các chức vụ sĩ quan Công an biệt phái. Trong thời gian dài, sĩ quan Công an, Quân đội biệt phái giữ các chức vụ như tại Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thì không xét thăng, cấp bậc hàm. Gần đây, bất cập này đã được điều chỉnh. Và tại khoản 3, Điều 24 Luật CAND sửa đổi đã cụ thể hóa nội dung này. Theo đó, sĩ quan Công an biệt phái là ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ Tổng cục trưởng và tương đương có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng. Sĩ quan biệt phái là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng hoặc tương đương có cấp bậc hàm cao nhất trung tướng. Sĩ quan biệt phái có chức vụ cao hơn được phong, thăng cấp bậc hàm cấp tướng theo quy định cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2015. Riêng quy định về phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp tướng có hiệu lực thi hành từ thời điểm luật được công bố. Việc công bố luật thuộc thẩm quyền Chủ tịch nước, sau khi luật đã được thông qua.
Theo CAND
ST: Nguyễn Thị Yến Hương
Luật CAND số 73/2014
http://www.moj.gov.vn/vbpq/Lists/Vn%20bn%20php%20lut/View_Detail.aspx?ItemID=30306