1. Khoản 4 - Điều 2 - Đánh giá nhà thầu độc lập:
Nhà thầu được đánh giá độc lập về pháp lý, tài chính với nhà thầu khác; với nhà thầu tư vấn; với chủ đầu tư, bên mời thầu khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Không cùng một cơ quan hoặc tổ chức trực tiếp quản lý đối với đơn vị sự nghiệp.
- Nhà thầu với chủ đầu tư, bên mời thầu không có cổ phần hoặc vốn góp trên 30% của nhau.
- Nhà thầu không có cổ phần hoặc vốn góp trên 20% của nhau khi cùng tham dự thầu trong một gói thầu đối với đấu thầu hạn chế.
- Nhà thầu tham dự thầu với nhà thầu tư vấn không có cổ phần hoặc vốn góp cùng nhau; không cùng có cổ phần hoặc vốn góp trên 20% của một tổ chức, cá nhân khác với từng bên.
2. Điều 3- Nguyên tắc ưu đãi:
- Trường hợp sau khi tính ưu đãi, nếu các hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất xếp hạng ngang nhau thì ưu tiên cho nhà thầu có đề xuất chi phí trong nước cao hơn hoặc sử dụng nhiều lao động địa phương hơn.
- Trường hợp nhà thầu tham dự thầu thuộc đối tượng được hưởng nhiều hơn một loại ưu đãi thì khi tính ưu đãi chỉ được hưởng một loại ưu đãi cao nhất.
- Đối với gói thầu hỗn hợp, việc tính ưu đãi căn cứ tất cả các đề xuất của nhà thầu trong các phần công việc tư vấn, cung cấp hàng hóa, xây lắp. Nhà thầu được hưởng ưu đãi khi có đề xuất chi phí trong nước từ 25% trở lên giá trị công việc của gói thầu.
3. Điều 5- Ưu đãi đối với hàng hóa trong nước:
Hàng hóa trong nước được ưu đãi khi nhà thầu chứng minh được hàng hóa đó có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên trong giá hàng hóa.
4. Điều 6- Ưu đãi đối với đấu thầu trong nước:
Ưu đãi đối với gói thầu mua sắp hàng hóa trong nước; hồ sơ dự thầu, đề xuất của nhà thầu có tổng số lao động là nữ giới hoặc thương binh, người khuyết tật có tỷ lệ 25% trở lên và có hợp đồng lao động tối thiểu 3 tháng; nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ thuộc đối tượng hưởng ưu đãi…
5. Điều 9- Chi phí trong quá trình lựa chọn nhà thầu:
5.1. Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu, chủ đầu tư quyết định mức giá bán một bộ hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu (bao gồm cả thuế) đối với đấu thầu trong nước nhưng tối đa là 2.000.000 đồng đối với hồ sơ mời thầu và 1.000.000 đồng đối với hồ sơ yêu cầu; đối với đấu thầu quốc tế, mức giá bán theo thông lệ đấu thầu quốc tế.
5.2. Chi phí lập, thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển:
- Chi phí lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển được tính bằng 0,05% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 1.000.000 đồng và tối đa là 30.000.000 đồng;
- Chi phí thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển được tính bằng 0,03% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 1.000.000 đồng và tối đa là 30.000.000 đồng.
5.3. Chi phí lập, thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu:
- Chi phí lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được tính bằng 0,1% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 1.000.000 đồng và tối đa là 50.000.000 đồng;
- Chi phí thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được tính bằng 0,05% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 1.000.000 đồng và tối đa là 50.000.000 đồng.
5.4. Chi phí đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất:
- Chi phí đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển được tính bằng 0,05% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 1.000.000 đồng và tối đa là 30.000.000 đồng;
- Chi phí đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất được tính bằng 0,1% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 1.000.000 đồng và tối đa là 50.000.000 đồng.
5.5. Chi phí thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu kể cả trường hợp không lựa chọn được nhà thầu được tính bằng 0,05% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 1.000.000 đồng và tối đa là 50.000.000 đồng.
5.6. Đối với các gói thầu có nội dung tương tự nhau thuộc cùng một dự án, dự toán mua sắm, các gói thầu phải tổ chức lại việc lựa chọn nhà thầu thì các chi phí: Lập, thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển; lập, thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được tính tối đa là 50% mức chi phí quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này. Trường hợp tổ chức lại việc lựa chọn nhà thầu thì phải tính toán, bổ sung chi phí lựa chọn nhà thầu vào dự án, dự toán mua sắm phù hợp với thực tế của gói thầu.
5.7. Chi phí quy định tại các Khoản 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này áp dụng đối với trường hợp chủ đầu tư, bên mời thầu trực tiếp thực hiện. Đối với trường hợp thuê tư vấn đấu thầu để thực hiện các công việc nêu tại các Khoản 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này, việc xác định chi phí dựa trên các nội dung và phạm vi công việc, thời gian thực hiện, năng lực kinh nghiệm của chuyên gia tư vấn và các yếu tố khác.
5.8. Chi phí cho Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị của nhà thầu về kết quả lựa chọn nhà thầu là 0,02% giá dự thầu của nhà thầu có kiến nghị nhưng tối thiểu là 1.000.000 đồng và tối đa là 50.000.000 đồng.
5.9. Chi phí đăng tải thông tin về đấu thầu, chi phí tham gia hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và việc sử dụng các khoản thu trong quá trình lựa chọn nhà thầu thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.
6. Tư cách nhà thầu tham dự thầu
Tại Điểm d Khoản 3 Điều 14 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định: “Bên mời thầu phải tiếp nhận HSDT của tất cả các nhà thầu nộp HSDT trước thời điểm đóng thầu, kể cả trường hợp nhà thầu tham dự thầu chưa mua hoặc chưa nhận HSMT trực tiếp từ bên mời thầu. Trường hợp chưa mua HSMT thì nhà thầu phải trả cho bên mời thầu một khoản tiền bằng giá bán HSMT trước khi HSDT được tiếp nhận”. Với quy định này, những nhà thầu chưa mua, chưa kịp mua HSMT vẫn được nộp HSDT và tham gia đấu thầu bình thường, bình đẳng như các nhà thầu đã mua HSMT trước đó. Đối với những nhà thầu đã mua HSMT, trong quá trình chuẩn bị HSDT, sau khi đọc kỹ HSMT, nếu thấy cần thay đổi tư cách (tên) tham gia đấu thầu so với khi mua HSMT thì không phải thông báo bằng văn bản tới bên mời thầu.
Trước đây (Khoản 2 Điều 17 của Nghị định số 85/2009/NĐ-CP), nhà thầu muốn tham dự thầu thì phải liên hệ với bên mời thầu/chủ đầu tư để mua hồ sơ mời thầu (HSMT), thậm chí là phải làm các thủ tục để đăng ký rồi mới được mua HSMT. và trong “trường hợp nhà thầu cần thay đổi tên (tư cách) tham gia đấu thầu so với khi mua HSMT thì phải thông báo bằng văn bản tới bên mời thầu”.
7. Nhà thầu được kiến nghị trực tiếp lên chủ đầu tư:
Theo quy định tại Điều 92 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 quy định: “Nhà thầu được gửi văn bản kiến nghị đến chủ đầu tư đối với dự án; bên mời thầu đối với mua sắm thường xuyên, mua sắm tập trung…”. So với quy trình giải quyết kiến nghị quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 73 của Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 thì “Bên mời thầu có trách nhiệm giải quyết kiến nghị trong đấu thầu của nhà thầu trong thời hạn tối đa là năm ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn của nhà thầu. Trường hợp bên mời thầu không giải quyết được hoặc nhà thầu không đồng ý với giải quyết của bên mời thầu thì nhà thầu được quyền gửi đơn đến chủ đầu tư để xem xét, giải quyết…”. Quy định mới này cho phép nhà thầu được kiến nghị trực tiếp lên chủ đầu tư mà không gửi kiến nghị đến bên mời thầu. Riêng đối với mua sắm thường xuyên, mua sắm tập trung, trách nhiệm giải quyết kiến nghị của nhà thầu là bên mời thầu (vai trò tương đương như chủ đầu tư của dự án).
8. Hạn mức chỉ định thầu:
Hạn mức chào hàng cạnh tranh được quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP là 500 triệu đồng đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, phi tư vấn và dịch vụ công, không quá 1 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế và sản phẩm công thấp hơn nhiều so với hạn mức quy định trong Nghị định số 85/2009/NĐ-CP.
Với quy định nới hạn mức chào hàng cạnh tranh mới sẽ giúp chủ đầu tư, bên mời thầu thuận lợi hơn trong việc áp dụng hình thức này, đồng thời góp phần đơn giản thủ tục hành chính, nâng cao tính cạnh tranh trong việc lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu thông dụng và đặc biệt là sẽ hạn chế được tối đa việc áp dụng hình thức chỉ định thầu. Theo đó, khi thực hiện những gói thầu thông dụng, chủ đầu tư, bên mời thầu có thể lựa chọn áp dụng chào hàng cạnh tranh mà không phải thực hiện đấu thầu rộng rãi và quy trình chào hàng cạnh tranh thì thủ tục đơn giản, gọn nhẹ hơn nhiều so với quy trình thực hiện đấu thầu rộng rãi, hơn nữa trong chào hàng cạnh tranh còn cho phép được áp dụng cả hình thức chào hàng cạnh tranh rút gọn thì thủ tục lại càng đơn giản. Vì thế, các thủ tục hành chính trong quá trình tham dự thầu của nhà thầu cũng sẽ được giảm tối đa.
9. Điều 129 – Hướng dẫn thi hành :
9.1 Đối với những gói thầu đã phê duyệt kế hoạch đấu thầu nhưng đến ngày 01/7/2014 chưa phát hành hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu nếu không phù hợp với Luật đấu thầu số 43/2013 thì phải phê duyệt điều chỉnh kế hoạch đấu thầu.
Đối với hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được phát hành trước ngày 01/7/2014 thì được thực hiện theo quy định của Luật đấu thầu 2005, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản 2009, Nghị định 85, Nghị định 68, Quyết định 50 và các Thông tư liên quan.
9.2 Trong thời gian từ 01/7/2014 đến ngày 15/8/2014 việc triển khai thực hiện lựa chọn nhà thầu thực hiện theo Luật đấu thầu 2013; Nghị định 85, Nghị định 68 và các văn bản hướng dẫn có liên quan nhưng đảm bảo không trái với Luật đấu thầu 2013.
9.3 Đối với việc mua sắm sử dụng vốn nhà nước nhằm cung cấp sản phẩm dịch vụ công, việc lựa chọn nhà thầu theo hình thức đặt hàng, giao kế hoạch thực hiện theo quy định tại Nghị định 130/2013/NĐ-CP; các hình thức lựa chọn nhà thầu khác được thực hiện theo Luật đấu thầu 2013 và Nghị định này.
9.4 Cá nhân đã được cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu trước ngày 15/8/2014 vẫn được tham gia các hoạt động đấu thầu theo quy định tại điều 16 của Luật đấu thầu 2013 nhưng phải tự cập nhật các nội dung quy định tại văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu hiện hành.
10. Một số nội dung khác:
Đối với hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được phát hành trước ngày 1/7/2014 thì thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12, Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009, Nghị định số 68/2012/NĐ-CP ngày 12/9/2012 của Chính phủ, Quyết định số 50/QĐ-TTg ngày 9/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ và các thông tư liên quan.
Trong thời gian từ ngày 1/7/2014 đến ngày Nghị định số 63/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, việc triển khai thực hiện lựa chọn nhà thầu phải căn cứ theo Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13. Trong thời gian Nghị định số 63/2014/NĐ-CP chưa có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định của Nghị định số 85/2009/NĐ-CP, Nghị định số 68/2012/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn liên quan, nhưng bảo đảm không trái với quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13.
Đối với việc mua sắm sử dụng vốn nhà nước nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ công theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 1 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, NĐ 63 nêu rõ, việc lựa chọn nhà thầu theo hình thức đặt hàng, giao kế hoạch được thực hiện theo quy định tại Nghị định 130/2013/NĐ-CP; các hình thức lựa chọn nhà thầu khác được thực hiện theo quy định tại Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.
Cùng với Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP sẽ tạo khung pháp lý đồng bộ, minh bạch và thống nhất chính sách đấu thầu sử dụng nguồn vốn nhà nước; Nghị định số 63/2014/NĐ-CP tạo thuận lợi và nâng cao hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước về đấu thầu.
Việc ban hành Nghị định số 63/2014/NĐ-CP sẽ là cơ sở để chấm dứt mọi chồng chéo về pháp luật trong đấu thầu.
|